Tiềm năng du lịch biển đảo tại Quảng Ninh

Trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã xác định Vân Đồn, Cô Tô là những trọng điểm mở rộng, phát triển du lịch biển đảo của Quảng Ninh. Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ, kết nối của 2 địa phương trong thời gian gần đây, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung xây dựng Đề án phát triển du lịch biển đảo đến 2030.

1. Vị trí đặc biệt, tài nguyên du lịch đa dạng, hấp dẫn

Quảng Ninh được đánh giá tiềm năng “vàng” về phát triển du lịch biển đảo, với bờ biển dài trên 250km, diện tích mặt biển trên 6.100km2… Chính vì thế mà trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng đều nhấn mạnh việc mở rộng, phát triển không gian du lịch, trong đó xác định ưu tiên vùng Vân Đồn, Cô Tô và các vùng phụ cận.

Tiềm năng du lịch biển đảo tại Quảng Ninh

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài Vịnh Hạ Long, thì Vân Đồn, Bái Tử Long và Cô Tô là những địa phương có tiềm năng nổi bật và cơ hội phát triển du lịch biển sôi động không kém gì Vịnh Hạ Long. Với Vân Đồn, nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét tinh khôi của một quần đảo hoang sơ, xinh đẹp, những bãi tắm tuyệt đẹp như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng…, tạo sức hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Xem thêm: Những bãi biển đẹp mê hoặc không nên bỏ qua khi tới Vân Đồn, Quảng Ninh

Cô Tô là quần đảo có khoảng 50 đảo lớn, nhỏ; nổi bật là đảo Cô Tô lớn, Cô Tô con. Không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, Cô Tô còn là vùng biển đảo tuyệt đẹp, nằm giữa ngư trường rộng lớn nhất nước. Các tài nguyên du lịch chủ yếu của Cô Tô bao gồm ngọn hải đăng, được đánh giá là đẹp nhất trong các ngọn hải đăng trên biển về tầm nhìn, được xây dựng cuối thế kỷ XIX, hiện đang hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời; các bãi biển Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên… với cát biển trắng mịn trải dài cả cây số, nước biển trong như một tấm gương khổng lồ. Cô Tô còn có rừng nguyên sinh, các rạn san hô tuyệt đẹp.

Tiềm năng du lịch biển đảo tại Quảng Ninh

Vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn còn có nhiều di tích lịch sử, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia; nhiều lễ hội lớn, nguồn hải sản phong phú, đặc sản hấp dẫn đủ sức thu hút, giữ chân du khách. Với vị trí đặc biệt, tài nguyên du lịch đa dạng, hấp dẫn, khu vực Vân Đồn – Bái Tử Long – quần đảo Cô Tô là trọng điểm trong phát triển du lịch biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự khác biệt và ưu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.

2. Kết nối các trung tâm du lịch sinh thái biển đảo

Xác định du lịch biển đảo chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, thời gian qua, Quảng Ninh đã có những chuyển động tích cực về kêu gọi đầu tư và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đặc biệt ở Cô Tô, Vân Đồn. Hiện khu vực ven biển của tỉnh có gần 1.200 cơ sở lưu trú, cung ứng trên 19.000 buồng, phòng, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trong đó Vân Đồn, Cô Tô là những trọng điểm, đang dần hoàn thiện, tạo sức hút lớn với du khách.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng du lịch đang thực sự tiếp thêm sức sống cho du lịch biển đảo 2 địa phương. Vân Đồn không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, như: Đường 334, đường du lịch xuyên đảo Minh Châu – Quan Lạn, tuyến tàu cao tốc, Cảng tàu khách du lịch Cái Rồng… Vân Đồn còn được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đã và đang hoàn thiện nhiều dự án lớn, làm thay đổi diện mạo du lịch biển đảo, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, kết nối cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Bến xe điện, Khu nghỉ dưỡng Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas  trên đảo Quan Lạn …

Diện mạo một thiên đường du lịch biển đảo Cô Tô cũng đang dần hình thành khi được Nhà nước quan tâm đầu tư về hạ tầng. Huyện đảo du lịch đã có một diện mạo hoàn toàn mới với Dự án đường xuyên đảo (giai đoạn 1, 2) tổng đầu tư trên 240 tỷ đồng, kết nối khu trung tâm với các điểm đến; Khu dịch vụ thương mại rộng 1,3ha; Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ; chỉnh trang Khu Di tích lịch sử Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô; Cảng tàu khách Cô Tô…

Việc kết nối, cải thiện giao thông giữa 2 trung tâm du lịch biển đảo giàu tiềm năng này rất được quan tâm. Những năm, qua hệ thống bến cảng, nhà chờ cho du khách 2 đầu được đầu tư khang trang. Hiện đội tàu Cô Tô có tàu lớn và tiện nghi, có thể chạy trong cả điều kiện gió cấp 7-8. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn mở ra cơ hội đến Cô Tô bằng cả đường hàng không, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư những dự án du lịch dịch vụ đẳng cấp cao.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động, kết nối du lịch biển đảo đã có những chuyển động đáng mừng. Đó là việc du lịch Cô Tô chủ động kết nối thông tin, đề xuất quảng bá hình ảnh du lịch Cô Tô ở sân bay Vân Đồn; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khảo sát, kết nối, phát triển sản phẩm du lịch tại Cô Tô… Với những chuyển động tích cực đang tạo thêm động lực, “chắp cánh” cho 2 trung tâm du lịch sinh thái biển đảo phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *