Quảng Ninh có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng được nhiều du khách tới thăm quan. Một trong những điểm nhấn của văn hóa nơi đây là lễ hội cũng đã thu hút nhiều khách du lịch tới tham dự. Hiện nay Quảng Ninh có rất nhiều lễ hội không chỉ là lễ hội truyền thống mà còn nhiều lễ hội khác nữa. Hãy cùng Minh Châu Tour khám phá các lễ hội ở Quảng Ninh ngay nhé!
Lễ hội Yên Tử
- Địa điểm: Núi Yên Tử – thuộc dãy núi Đông Triều vùng Đông Bắc Việt Nam
- Thời gian: Bắt đầu từ mồng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch
Một trong những sự kiện đặc sắc nhất trong chuyến du lịch Yên Tử Quảng Ninh đầu năm, đó chính là lễ hội Yên Tử. Vào thời gian này, sẽ có rất nhiều tăng ni, Phật tử người dân bản địa và đông đảo tầng lớp nhân dân, du khách thập phương tới đây để dâng hương lễ phật, cầu bình an may mắn, vãn cảnh sơn thủy hữu tình. Và đặc biệt hơn là tham gia lễ hội Yên Tử 1 năm chỉ có 1 lần.
Lễ hội Yên Tử được tổ chức với rất nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ dâng hương chiêm bái Phật Tổ, bái tổ Trúc Lâm, các hoạt động văn nghệ tái hiện lại sự kiện lịch sử, văn hóa tâm linh, lễ khai ấn “Dấu Thiêng Chùa Đồng”,… đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian như múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền,… cùng rất nhiều sự kiện văn hóa tâm linh hấp dẫn khác.
Lễ hội Thập cửu Tiên Công
- Địa điểm: Đảo Hà Nam – thị xã Quảng Yên – tỉnh Quảng Ninh
- Thời gian: Bắt đầu từ mùng 7 tháng 1 âm lịch hàng năm
Đảo Hà Nam là một vùng đảo nổi tiếng thuộc địa phận xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Truyền thuyết kể lại rằng ngày mở hội chính là ngày 19 vị Tiên Công tìm ra được mạch nước ngọt trên hòn đảo này cách đây trên 500 năm. Sau này, những người dân tại đây đã tổ chức các lễ hội truyền thống vừa để mừng thọ những vị Tiên Công đã tạo dựng nên vùng đảo này, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, cội nguồn, đấng sinh thành.
Trong lễ hội Tiên Công, các cụ ông cụ bà trong làng thượng thọ trên 80 tuổi sẽ được phong là “Cụ Thượng”. Vào đúng ngày chính hội, các Cụ Thượng sẽ được rước đi vòng quanh làng trong tiếng trống, tiếng chuông, đàn nhạc náo nhiệt. Con cháu đội mâm lễ vật đi trước. Lễ vật rước khá hoành tráng có trầu cau, hoa quả, rượu nếp, thủ lợn, bánh kẹo đầy đủ,… đặc biệt là các hương án trên có con long mã kết bằng hoa quả. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành 1 đám rước. Điểm dừng chân cuối cùng sẽ là miếu Tiên Công. Các đám rước sẽ nhập lại khi đến gần đền tạo thành một không khí tưng bừng, náo nhiệt nhưng cũng rất trang trọng, linh thiêng. Trong lễ hội còn tổ chức rất nhiều các trò chơi dân gian, hát đúm, hát chèo để các làng được giao lưu với nhau.
Lễ hội đền Cửa Ông
- Địa điểm: Đền Cửa Ông – phường Cửa Ông – Tp. Cẩm Phả – tỉnh Quảng Ninh
- Thời gian: Bắt đầu từ ngày mồng 2 Tết đến hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội chính là vào ngày 2/3 âm lịch hàng năm
Lễ hội đền Cửa Ông là một trong những hoạt động văn hóa có từ khá lâu đời tại Quảng Ninh. Lễ hội ở Quảng Ninh này được tổ chức với ý nghĩa tỏ lòng biết ơn với tướng Trần Quốc Tảng và các vị tướng khác đã có công dẹp loạn, chống giặc ngoại xâm mang lại bình yên cho đất nước.
Trong lễ hội đền Cửa Ông Quảng Ninh sẽ có hai nghi lễ chính là tế lễ và lễ rước kiệu bài vị tướng Trần Quốc Tảng. Ngoài ra, trong lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian (múa rồng, bịt mắt đập niêu, đánh trống, kéo co,…), hò đối đáp vô cùng hấp dẫn.
Vào mùa hội, khách du lịch từ mọi miền đất nước nườm nượp đến đền Cửa Ông để dự hội. Du khách có thể đi bằng đường bộ qua thành phố Hạ Long, cũng có thể đi bằng đường thủy ven vịnh Hạ Long, qua vịnh Bái Tử Long đến sát cửa đền Hạ.