Cứ mỗi năm vào độ tháng 6 âm lịch, người dân Trà Cổ lại nô nức nhau tổ chức lễ hội Trà Cổ để tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng làng. Lễ hội này không chỉ là một lễ hội truyền thống của người dân địa phương, đây còn là một trong những nét văn hóa độc đáo của miền bắc Việt Nam. Hãy cùng Minh Châu Tour khám phá ngay Lễ hội Trà Cổ – Nét đặc sắc văn hóa Việt Nam nơi đầu tổ quốc qua bài viết dưới đây nhé!
Truyền thuyết về sự ra đời của Lễ hội Trà Cổ
Đình Trà Cổ nằm tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi đình này đã được hình thành từ thời Hậu Lê. Mặc dù đã có biết bao thăng trầm lịch sử qua đi, nhưng ngôi đình vẫn đứng hiên ngang trên vùng đất Trà Cổ, như một cột mốc nơi địa đầu tổ quốc và là niềm tự hào của người dân địa phương.
Theo truyền thuyết kể lại, vùng đất Trà Cổ này được khai hoang, lập ấp bởi những người dân làm nghề đánh cá của Đồ Sơn. Người xưa kể lại rằng, vào năm 1641, khi người dân Đồ Sơn đi ra khơi đánh cá thì gặp một trận bão tố, họ đã bị trôi dạt lên vùng vùng hoang đảo xa xôi chỉ có sú vẹt và lao sậy. Một nửa số gia đình đã tìm cách quay trở lại quê hương cũ. Nửa còn lại tìm các bám trụ và xây dựng vùng đất mới và nơi đây dần trở thành một ngôi làng trù phú.
Sau đó, người dân tại đây đã về quê cũ, xin dâng hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình là các vị Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch. Ngoài ra, tại Đình Trà Cổ cũng thờ 6 vị tiên công là những vị đã có công khai hoang, lập ấp, xây dựng nên vùng đất Trà Cổ xưa.
Thời gian tổ chức lễ hội Trà Cổ
Hàng năm, cứ từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng 6 âm lịch hàng năm, người dân Trà Cổ lại tổ chức lễ hội Trà Cổ để tưởng nhớ công ơn của các vị thành hoàng làng. Đây không chỉ là một hoạt động tâm linh của người dân địa phương mà còn là nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Tại lễ hội vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục độc đáo đặc trưng của làng quê vùng biển miền Bắc Việt Nam. Trong đó, hoạt động độc đáo được nhiều người dân địa phương cùng du khách quan tâm nhất chính là “hội thi Ông Voi”.
Các hoạt động thú vị trong lễ hội Trà Cổ
Trước ngày chính hội, vào ngày 25 tháng 5 sẽ có một đoàn thuyền rước từ Trà Cổ về Đồ Sơn. Sau đó, đoàn thuyền rước này sẽ quay trở về Trà Cổ vào ngày 30 tháng 5 âm lịch. Từ ngày 1 tháng 6 lễ hội Trà Cổ sẽ chính thức bắt đầu.
Mở đầu cho lễ hội chính là lễ rước Vua ra bể. Đoàn rước này gồm một đội cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm, bát bửu, tiếp đến là người cầm cờ. Đây đều là những thanh niên trai tráng được lựa chọn ra từ những người dân địa phương. Để được tham gia vào đoàn rước, người đó còn cần trẻ đẹp, có đạo đức và sẽ được bầu chọn từ cuối hội năm trước.
Tiếp đó, chính là cuộc thi các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt và cuộc thi ông voi. Ông voi thực chất là những chú lợn được các cai đám và dân làng chăm sóc trước lễ hội từ vài tháng.
Ngoài ra, tại lễ hội Trà Cổ còn có các cuộc thi thú vị như thi nấu ăn, thi làm cỗ và người nấu ăn giỏi nhất sẽ được cả làng biết đến.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội, sẽ có tiết mục múa bông. Đây là lúc mà người dân địa phương sẽ cầu mong trời đất phù hộ cho một năm mới hạnh phúc, may mắn, bình an. Một năm mới sóng yên, biển lặng, lưới đầy cá tôm.
Hội thi Ông Voi – Điểm nhấn đặc biệt của lễ hội
Hội thi Ông Voi là cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 cai đám nuôi dưỡng và chăm sóc. Đại diện cho 12 vị tiên công ngày xưa. Những vị cai đám này sẽ được chọn ra từ những người trung niên, khỏe mạnh, biết làm ăn, có đạo đức tốt, gia đình hòa thuận, không vướng ma chay. Vì quy trình lựa chọn cai đám khá khó khăn, mỗi người chỉ được làm ông đám một lần và người xưa quan niệm rằng, nếu được lựa chọn làm cai đám thì sẽ được lộc, mạnh khỏe và ăn nên làm ra nên việc được lựa chọn làm cai đám rất vinh dự và tự hào.
Khi được lựa chọn, các cai đám sẽ nuôi một con lợn và những chú lợn này được gọi là ông voi, được chăm sóc kỹ lưỡng và được coi nhưng linh vật trong nhà, làng.
Vào chiều 30 tháng 5 âm lịch, sau khi người dân làm lễ cúng gia tiên, các ông voi sẽ được tắm rửa sạch sẽ, cho nằm trong những chiếc cũi có sơn đỏ và rèm che. Sau đó, các cai đám sẽ đưa ông voi ra trước sân đình, xếp thành hai hàng để chầu thần.
Sau lễ tế cáo yết thần, ban tổ chức sẽ tiến hành chấm giải. Ông Voi nào có thân dài nhất, vòng cổ to, đẹp, nặng nhất sẽ giành được giải nhất. Sau khi chấm giải, các ông voi sẽ trở lại là những chú lợn bình thường và gia đình cai đám có thể bán hoặc giết thịt để khao họ hàng. Đối với ông Voi thắng giải nhất sẽ được giữ lại để mổ tế thần.