Quan Lạn là vùng biển vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ vốn có thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi những khung cảnh thiên nhiên hoành tráng và lãng mạn, hay những di tích văn hóa lịch sử gắn liền với những vị anh hùng của dân tộc ta. Bên cạnh đó, du khách đến đây cũng rất tò mò về nghề làm nước mắm truyền thống. Vậy hãy cùng Minh Châu Tour tìm hiểu nghề làm nước mắm truyền thống tại Quan Lạn thông qua bài viết sau đây nhé!
1. Nguồn gốc nghề làm nước mắm tại Quan Lạn
Nghề nước mắm đã gắn bó từ lâu với người dân Quan Lạn. Đây chính là một nghề để kiếm sống và cũng là nghề mà ông cha đi trước đã để lại cho thế hệ con cháu. Ở trên đảo Quan Lạn, gần như mọi gia đình đều dành một khoảng sân rộng để nơi làm mắm. Những chum mắm được phơi ngay tại những khoảng sân đó.
Để có được một chum mắm đạt tiêu chuẩn người dân phải thường xuyên chăm nom hàng ngày, phơi nắng và canh nồng độ đúng quy định. Theo người dân nơi đây thì một chum mắm đạt chất lượng tốt nhất phải mất khoảng 3 năm. Nước mắm ở đây không dùng các chất bảo quản mà dùng chính loại muối hiệp mặn để nước mắm được bảo quản tốt nhất không bị hư hỏng. Do vậy, nước mắm ở đây rất khác biệt với các loại nước mắm ở vùng miền biển khác, với hương vị mặn của hương biển nhưng không chát, thơm ngon, mùi vị đặc trưng của nước mắm từ cá vùng biển Quảng Ninh.
2. Quy trình làm nước mắm ở Quan Lạn
Người làm mắm ở Quan Lạn ướp cá bằng chum rồi phơi nắng khác biệt so với nơi làm mắm khác. Bí quyết ở đây là tận dụng năng lượng mặt trời để diệt các khuẩn có hại bên trong mà vẫn giữ các chất đạm hữu ích từ cá. Nguyên liệu được dùng làm mắm ở đây thường chọn các loại cá như: cá cơm, cá duội, cá nhâm…
Chum vại làm mắm luôn được rửa sạch và đem ra phơi nắng cho hết vi khuẩn hàng tuần. Để có được những mẻ nước mắm thơm ngon, an toàn thực phẩm thì khâu vệ sinh chum vại cũng rất quan trọng.
Người làm mắm chủ yếu dựa theo kinh nghiệm ông bà để lại, tuy nhiên hiện nay, người dân ở đây còn tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của những vùng làm mắm khác để nâng cao chất lượng mắm.
Nước mắm Quan Lạn nổi tiếng trong vùng và ngày càng được biết đến nhiều hơn ở các vùng miền trên cả nước. Người dân nơi đây luôn tự hào với nghề làm mắm truyền thống được biết đến nhiều hơn. Bí quyết riêng của nơi đây tạo lên hương vị đặc trưng cho nước mắm Quan Lạn, tạo nên sức hấp dẫn từ hương vị mộc mạc, giản dị thuyết phục ngay cả những người khó tính nhất.
3. Sự khác biệt của nghề làm nước mắm ở Quan Lạn
Nghề làm nước mắm ở Quan Lạn thực sự khác biệt và độc đáo so với các nơi khác đó chính là sản xuất chủ yếu bằng hình thức thủ công. Từ các khâu từ ướp chượp, quấy, đảo, chắt lọc… đều được người dân nơi đây cần cù, khéo léo và tỉ mỉ thực hiện bằng tay một cách truyền thống nhất.
Trong đó, phương pháp ướp, phơi ngấu… sẽ sử dụng bằng ang và chum sành. Tuy phương pháp truyền thống này sẽ mang lại sản phẩm nước mắm nguyên chất giữ gần như toàn bộ tinh hoa của biển.
Ngoài ra, để có những chai nước mắm thơm ngon mang đậm mùi vị và nét riêng của Quan Lạn, người dân trên đảo cho biết bí quyết đó là lựa chọn những loại cá tươi ngon nhất. Thời điểm thích hợp nhất để chọn cá là vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm, khi đó cá sẽ béo và tươi ngon nhất. Một điều nữa là khi chế biến phải chọn đúng thời điểm nắng to để phơi, đánh, đảo… cá nếu không mắm sẽ bị hỏng và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
Nước mắm Quan Lạn tuy không quá nổi tiếng nhưng khi nếm thử, bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được rõ nhất mùi vị nguyên bản của biển cả. Nếu có dịp ghé qua Quan Lạn hãy mua vài chai nước mắm mang về dùng và làm quà biếu cho người thân, bạn bè nhé!