Khám phá lễ hội “rước người sống” – lễ hội Tiên Công – Quảng Ninh

Lễ hội Tiên Công

Lễ hội Tiên Công là một trong những lễ hội độc đáo nhất trong chuỗi những lễ hội mùa xuân tại Quảng Ninh. Cùng Minh Châu Tour khám phá về lễ hội “rước người sống” này nhé!

Thời gian và địa điểm diễn ra lễ hội Tiên Công

lễ hội Tiên Công

Lễ hội “rước người” hay với tên gọi chính là lễ hội Tiên Công được tổ chức thường niên tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội được diễn ra từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng giêng Âm lịch nhằm tưởng nhớ các vị Tiên Công đã có công khám phá, khai khẩn và lập nên hòn đảo Hà Nam trù phú, thuộc thị xã Quảng Yên ngày nay.

Lễ hội này được tổ chức tại đền Thập cửu Tiên Công thuộc xã Cẩm La và còn có nhiều tên gọi khác do người địa phương đặt như: Hội Miếu Tiên Công hoặc Hội Miếu La, Hội Thập cửu Tiên Công. Ngày nay người dân Quảng Yên thường gọi là Lễ hội Tiên Công và đây cũng trở thành tên chính thức.

Hiện nay, lễ hội này là của chung bốn xã: Cẩm La, Trung Bản, Phong Cốc và Yên Đông. Vì thế nếu nghe tên Hội Tiên Công Tứ xã cũng có nghĩa là lễ hội Tiên Công. Đến nay lễ hội vẫn được duy trì đều đặn hàng năm nhằm giữ gìn truyền thống của cha ông, đồng thời tạo nên điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch tâm linh Quang Ninh.

Ý nghĩa và nguồn gốc của lễ hội Tiên Công

Lễ hội Tiên Công 2

Theo truyền thuyết được truyền miệng rằng, vùng đảo Hà Nam được khai khẩn là do một số nhóm Tiên Công và dân cư từ kinh thành Thăng Long xuống, cùng nhau quai đê, lấn biển mà tạo dựng thành. Sau đó cứ mỗi độ xuân về, các cụ Tiên Công – những người đầu tiên có công khai phá tạo nên vùng đảo Hà Nam, lại nhớ về không khí những buổi hội hè sôi nổi, linh đình ở chốn kinh thành. Thế nên các cụ đã mời những bô lão lớn tuổi và được trọng vọng nhất trong làng xã để “trộm” đóng y phục giống như đức vua, rồi ngồi lên võng đào, kiệu rồng để thực hiện nghi lễ nghinh rước lên miếu đường, đồng thời cũng bày soạn vật phẩm tế lễ y hệt như những lễ hội tại kinh thành. Các hoạt động này được được mô phỏng giống hệt triều đình với lọng che, phường nhạc bát âm, hát xướng… Từ đó, hình thành nên lễ hội “rước người” độc đáo của vùng đảo này.

Ngoài ra, một nguồn thông tin khác theo tư liệu lịch sử kể lai rằng, vào thời nhà Lý – nhà Trần đã có một số người dân chài đến sinh sống ở vùng đất Quảng Yên ngày nay, họ chọn sống gần những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến khoảng đầu thế kỷ XV, trong những năm 1434 – 1500, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư tại đây đã đến quai đê lấn biển, bắt đầu quá trình khai khẩn đất hoang để trồng lúa, lập làng, dần dần tạo thành khu đảo Hà Nam . Trong số đó có 17 vị Tiên Công, là người quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, ở phía Nam thành Thăng Long. Các thế hệ sau này để tưởng nhớ công ơn những vị Tiên Công đã lập miếu thờ thập thất đặt ở thôn Cẩm La để thờ phụng những người có công tạo nên miền đất này.

Các nghi lễ được diễn ra trong lễ hội Tiên Công

Lễ hội thường được tổ chức vào mùng 4, 5, 6, và ngày 7 tháng Giêng Âm lịch, nhưng hầu hết các bước chuẩn bị đã được diễn ra từ tháng Chạp năm cũ. Các cụ ông cụ bà chuẩn bị bước vào độ tuổi 80, 90 sẽ được báo cho họ hàng người thân để mời họ đến lễ mừng thọ được tổ chức vào lễ hội. Vào tối mùng 3 tháng Giêng, những người đứng đầu các dòng họ sẽ cùng nhau cúng yết cáo với tổ họ mình danh sách những cụ ông, cụ bà chuẩn bị bước vào tuổi thượng thọ.

lễ hội Tiên Công 3

Mở đầu lễ hội Tiên Công sẽ là lễ “Ra cỗ họ” hay còn có tên gọi khác là “Lễ tế Tổ”, được các con cháu những dòng họ Tiên Công tổ chức vào ngày mùng 4. Đây là nghi lễ lớn nhất được diễn ra tại từ đường thờ tổ tiên. Vào ngày này, các gia đình có cụ ông cụ bà đến tuổi thượng thọ sẽ chuẩn bị lễ vật để dâng lên kính cáo với Tiên công và tổ tiên đã ban phúc lành để người già lên được chiếu thọ. Đồng thời, lễ này cũng để kính báo cho hội đồng gia tộc năm nay cụ nào được thượng thọ và mời bà con trong họ đến dự lễ mừng thọ.

Đến ngày mùng 5 tháng giêng, con cháu trong gia đình có người thân lên thượng thọ chuẩn bị để trang trí khuôn viên gia đình mình theo truyền thống mừng thọ. Quan trọng nhất là chuẩn bị trang phục cho các cụ ông cụ bà, gồm áo gấm, khăn thêu chữ thọ, gậy chống cho cha mẹ, chuẩn bị thêm cả bàn ghế, cỗ bàn để đãi khách như một ngày hội đoàn tụ của dòng họ.

Đến ngày mùng 6 tháng giêng, các hộ gia đình không tổ chức đoàn rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ thì sẽ thực hiện đội lễ đưa cụ thượng lên miếu lễ tổ. Những gia đình có điều kiện hơn thì sẽ cùng cả dòng họ và làng xóm thực hiện đoàn rước long trọng bằng võng đào về miếu Tiên Công để lễ tổ, gọi là nghi lễ “Rước thọ” và “Rước người”.

Lễ hội Tiên Công nhộn nhịp và đông vui nhất là vào ngày chính hội, chính là ngày mùng 7 với nghi lễ “Rước người” độc đáo chỉ có tại Quảng Ninh. Nghi lễ thể hiện sự trọng vọng, tôn vinh các Tiên Công, mang theo văn hóa thờ phụng những người già nhiều phúc đức nên được trời đất phù hộ sống thọ và khỏe mạnh.

Ngoài những nghi lễ độc đáo, phần hội cũng có rất nhiều những hoạt động văn hóa, vui chơi với các trò chơi dân gian như chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu vật, đắp đê… Trong đó, hai trò chơi cũng là nghi thức mở đầu lễ hội là cụ thượng đắp đê và đấu vật.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *