Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền lớn nhất ở Việt Nam, mỗi dịp năm hết tết đến, những người con xa quê, dù ở bất kì nơi đâu cũng mong ngóng trở về với mái ấm gia đình nơi quê hương của mình. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc “liệu ở một hòn đảo xa với đất liền như Minh Châu” thì người dân ở đây đón tết như thế nào chưa? Hãy cùng Minh Châu Tour khám phá câu hỏi đó qua bài viết sau đây nhé!
1. Về văn hóa ẩm thực
Người ta thường có câu “Có thực mới vực được đạo”, vậy thì chúng ta sẽ cùng khám phá nét văn hóa ẩm thực ngày tết ở Minh Châu trước nhé!
Cũng giống như ở đất liền, người dân ở Minh Châu cũng sẽ chuẩn bị những món bánh đặc biệt cho ngày tết. Có hai loại bánh đặc trưng mà mỗi dịp tết, gia đình nào cũng chuẩn bị là bánh chưng và bánh gai. Mọi người thường rất kĩ càng từ khâu chọn lá tới chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh và thiếu đi một trong hai loại bánh này thì ngày tết Minh Châu được coi như không đầy đủ?
Để có được những chiếc bánh ngon và ưng ý thì khâu chuẩn bị nguyên liệu cực kì cầu kì và trải qua nhiều công đoạn. Từ giữa tháng chạp, bà con nơi đây sẽ đi rừng lấy lá xuôi, hái lá gai, mua đường phèn, xay gạo nếp để làm bánh gai. Còn với bánh chưng, người dân sẽ lấy cây dùng (một loại cây thuộc họ nhà tre), chẻ lạt và luộc cho mềm, hái lá dong, chặt cây cóc đốt lấy tro, nấu nước nhiều lần để lọc ra nước cốt, nước này cùng với thuốc muối giúp bánh có màu đẹp và dền hơn.
Khoảng sau ngày 23 tháng chạp, những người đàn ông trong nhà sẽ làm nhiệm vụ sửa sang, lau rửa bàn thờ, tỉa chân nhang, họ cùng nhau trang trí nhà cửa, gói bánh chưng và bánh gai. Phụ nữ chuẩn bị thực phẩm cho ngày Tết. Những gia đình có điều kiện sẽ mua cho mình vài cân sá sùng khô để đãi khách. Nhưng hầu như mọi nhà đều có những món ăn hải sản đặc trưng của vùng biển đảo như: tôm, mực lá, mực mai, chả mực, dậu mai, hải sâm, cá, mực khô, ghẹ.v.v…
Đồ uống được sử dụng trong dịp tết vẫn là bia, nước ngọt và đặc biệt là rượu trâm – một loại rượu được ủ từ trái trâm – loại quả đặc trưng trên đảo. Khách quý của gia chủ sẽ được mời lại dùng cơm và thưởng thức rượu trâm với hương vị thơm nồng và cay cay. Loại bia được ưa chuộng nhất trên đảo là bia Hạ Long, bia dễ uống và được sản xuất ngay trên quê hương Quảng Ninh.
2. Về văn hóa chúc tết
Trước tết, những người con sẽ mang quà lễ tới thắp hương cho gia tiên tiền tổ nội ngoại hai bên và chúc tết người già cả trong nhà. Trong dịp tết, người dân chỉ đi chơi, thăm hỏi và chúc tết qua lời nói chứ không mang theo quà cáp.
3. Về văn hóa văn nghệ và thể thao
Vào buổi tối đêm giao thừa, người dân sẽ ăn cơm thật sớm, để 7h xem văn nghệ mừng Đảng mừng xuân ở nhà văn hóa Xã. Sau đó đến khoảng 9h, người dân di chuyển về nhà văn hóa thôn tiếp tục chương trình đón giao thừa chào xuân mới, giao lưu văn nghệ và ăn đồ ngọt. Vào ngày này, các hộ kinh doanh hải sản, tạp hóa hay các nhà nghỉ,khách sạn sẽ có quà mừng liên hoan bằng bia, nước ngọt hoặc hoa quả, bánh kẹo,…
Sáng ngày mùng Một, theo văn hóa nhiều nơi thì mọi nhà sẽ chúc Tết vào buổi sớm. Nhưng ở đảo, sau khi soạn cơm cúng gia tiên, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm. Sau khi dùng cơm, mọi người sẽ tới nhà văn hóa xã tham gia vào cuộc thi kéo co hoặc bóng chuyền hơi được tổ chức để thi đấu giữa các đội tới từ 4 thôn Nam Hải, Ninh Hải, Quang Trung và Tiền Hải.
Trong những ngày Tết, tất cả mọi nhà đều dành thời gian bên nhau, thăm hỏi, chúc tết, mừng tuổi trẻ và ăn uống vui chơi, gác lại tất cả mọi bồn bề của cuộc sống.
Thường thì vào ngày mùng Ba hoặc mùng Bốn tết, các gia đình sẽ hóa vàng, ăn ra tết, và sau đó trở lại công việc thường ngày vẫn diễn ra.
Đó là không khí tết đơn giản nhưng đầm ấm của đảo Minh Châu – Quan Lạn. Hy vọng rằng quý khách sẽ có dịp ghé thăm Minh Châu trong dịp tết nguyên đán sắp tới để cảm nhận được những nét văn hóa vô cùng đặc trưng của người dân nơi đây.